🔥 Trường Tiểu học Vinh Quang đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Ủy ban nhân dân xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Ủy ban nhân dân xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Uỷ ban nhân dân xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                   

Khai báo 'di biến động dân cư' ngày 15-8: Ùn ứ giảm nhưng vẫn đông

15/08/2021

Khá đông người dân dừng tại chốt giao thông trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) để thực hiện khai báo "di biến động dân cư" - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sáng 15-8, ở một số chốt kiểm soát giao thông tại TP.HCM, việc khai báo "di biến động dân cư" bằng mã QR được thực hiện theo hình thức xác suất. Những người đã đọc báo và được tuyên truyền trước đó đã tranh thủ khai báo trước ở nhà nên qua chốt chỉ cần đưa mã QR đã khai báo cho cán bộ quét nhanh.

Tại chốt kiểm soát giao thông đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), việc thực hiện khai báo linh hoạt theo khung giờ, các giờ cao điểm sẽ kiểm tra theo xác suất để tránh ùn tắc giao thông. Lực lượng trực chốt hướng dẫn người dân cách khai báo với những người chưa biết và khuyến nghị họ nên khai báo trước tại nhà.

Chiến sĩ tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hướng dẫn người dân khai báo bằng mã QR - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khoảng 30 phút có mặt tại chốt kiểm soát giao thông trên đường Nguyễn Thái Sơn (cùng quận), phóng viên ghi nhận tất cả xe cộ đi qua đây đều phải khai báo bằng mã QR, khiến số người dân tập trung tại chốt khá đông.

Tuy phải chờ đợi khá lâu, nhưng đa số người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh. Ông Đặng Văn Miệng (61 tuổi) cho biết: "Vì đây là lần đầu thực hiện khai báo bằng mã QR nên mất nhiều thời gian, lực lượng tại chốt cho biết chỉ khai báo một lần có thể dùng dữ liệu này để đi qua các chốt khác.

Việc khai báo này là cần thiết vì các thông tin khai báo rất chi tiết nên giúp cho Nhà nước kiểm soát tốt việc đi lại của người dân, góp phần phòng chống dịch bệnh", ông Miệng nói.

Trong khi đó, một vài người dân phản ánh ứng dụng này gặp một số lỗi và cần tối giản hơn các thông tin khai báo để tránh việc tụ tập đông người tại chốt.

Loay hoay với chiếc điện thoại hơn 10 phút nhưng vẫn chưa khai báo xong, chị Nguyễn Thị Hà Minh (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Tôi đã nhập thông tin một vài lần rồi nhưng vẫn bị thông báo lỗi. Trong đó phần khai báo năm sinh chỉ hiển thị từ năm 2006 trở lên.

Việc khai báo là cần thiết, tuy nhiên theo tôi cần tối giản lại một số thông tin dường như bị trùng lặp và không thật sự cần thiết, như nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi xuất phát… và cả nhóm máu. Việc khai báo hết tất cả thông tin này sẽ tốn nhiều thời gian đứng tại chốt", chị Minh nói.

Tình hình giao thông tại chốt giao thông đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: MINH HÒA

"Tôi đọc báo thấy cảnh đứng đông, kẹt ngay các chốt nguy hiểm quá nên tôi tranh thủ khai trước ở nhà, khi tới chốt đưa mã cho công an quét cho nhanh, chỉ mất vài giây", anh Trần Công Tồn đi mua lương thực cho hay.

"Tôi nghĩ mọi người nên khai báo trước ở nhà, chứ ra tới chốt đứng khai rất lâu, dễ bị ùn ứ lắm", anh Bùi Thái Bảo (giao hàng công nghệ) ngán ngẩm nói.

Anh Lê Văn Quốc (30 tuổi, nghề lái xe) chạy xe bán tải chở nhiều thùng sữa tươi khi qua chốt do không có "luồng xanh" nên buộc phải khai báo. Tuy nhiên, do ngày đầu anh Quốc khai báo nên còn lúng túng.

"Tôi lái xe nhiều ngày nên ít khi đọc báo nên không biết phải khai báo cái di biến động dân cư này. Khi tôi đến chốt, các anh công an mới yêu cầu, điện thoại tôi lại không có mạng, phải đi xin ké WiFi nên hơi lâu. Tôi loay hoay mãi phải mất 10 phút mới xong", anh Quốc chia sẻ.

Những người lớn tuổi khai báo rất khó khăn, cán bộ phải hướng dẫn nhiều lần - Ảnh: MINH HÒA

Nguồn:  tuoitre.vn.

 

scrolltop