Tuần trước, công ty truyền thông xã hội Meta cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption/E2EE) mặc định trên nền tảng Messenger cho một số người dùng được chọn và từ từ bổ sung các lớp bảo mật vào các dịch vụ trò chuyện khác của họ.
Sự phát triển này diễn ra một năm sau khi Meta thêm E2EE cho các cuộc gọi âm thanh và video trên Messenger cũng như cho các cuộc trò chuyện trực tiếp trên Instagram và kích hoạt mã hóa sao lưu cuộc trò chuyện cho WhatsApp trên Android và iOS.
E2EE là một cơ chế truyền tin an toàn giúp xáo trộn dữ liệu trong quá trình truyền tải và ngăn các bên thứ ba truy cập trái phép vào thông tin được gửi từ bên này đến bên khác, bao gồm cả Meta.
WhatsApp cho biết: "Với E2EE, tin nhắn của bạn được bảo mật bằng khóa mà chỉ người nhận và bạn mới có chìa khóa (key) để mở và đọc được".
Vào tháng 1 năm 2022, Meta đã bổ sung các cuộc trò chuyện E2EE trong Messenger như một tùy chọn, yêu cầu người dùng bật tính năng này một cách rõ ràng để sử dụng.
Ngoài ra, mã hóa sao lưu cũng được thêm vào Messenger dưới dạng tính năng Lưu trữ an toàn, cho phép người dùng tạo mã PIN hoặc code được sử dụng sau đó để khôi phục các cuộc trò chuyện trên thiết bị mới.
Những thay đổi khác bao gồm việc mở rộng thử nghiệm E2EE trên Instagram và xóa bỏ vanish mode (chế độ cho phép các tin nhắn tự động bị xóa sau một khoảng thời gian đã chọn) trong Messenger trong khi vẫn giữ lại các tin nhắn đã biến mất.
Meta cũng đang mở rộng các biện pháp bảo vệ Code Verify đã giới thiệu vào đầu tháng 3 này để đảm bảo tính toàn vẹn của WhatsApp Web bao gồm phiên bản web dành cho máy tính để bàn của Messenger.
Các cập nhật này đến trước so với dự định triển khai mặc định E2EE trên phạm vi toàn cầu cho các tin nhắn và cuộc gọi cá nhân trên Instagram và Messenger vào năm 2023.
Thử nghiệm này cũng đến ngay sau tin tức Meta đã tiết lộ nội dung các cuộc trò chuyện Messenger với cơ quan thực thi pháp luật trong một vụ án hình sự liên quan đến vụ phá thai của một thanh niên 17 tuổi ở Mỹ [có thể do các cuộc trò chuyện vẫn được lưu ở dạng bản rõ] khiến công ty phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội.
Các rào cản mã hóa cũng là một điểm gây tranh cãi với các chính phủ cho rằng hệ thống này cản trở khả năng của họ trong việc điều tra tội phạm nghiêm trọng như xâm hại tình dục trẻ em.
Nguồn: thehackernews.com.