🔥 Trường Tiểu học Vinh Quang đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Ủy ban nhân dân xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Ủy ban nhân dân xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Uỷ ban nhân dân xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                    🔥 Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang đã đăng ký tín nhiệm. 🔥                   

Cảnh báo app cho vay tiền núp dưới hình thức "tín dụng đen"

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi bằng cách nhắn tin đến fanpage Tín nhiệm mạng hoặc gửi email đến địa chỉ [email protected] để câu chuyện của bạn cảnh báo đến nhiều người hơn.

21/10/2022

Thời gian qua, các quảng cáo về những ứng dụng, trang web cho vay tiền nhanh với lãi suất thấp đang lan tràn trên các trang mạng xã hội, nhưng thực chất, các ứng dụng vay tiền này là biến tướng của hình thức tín dụng đen.

Lợi dụng tâm lý ‘ngại làm nhiều thủ tục’ khi đi vay tiền tại ngân hàng hay không rõ tìm các công ty tài chính ở đâu để vay tiền, các đối tượng lừa đảo nhắm đến những người đang trong tình thế khó khăn, cần vay tiền gấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với các quảng cáo “vay nhanh, lãi suất thấp, hồ sơ đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân sau vài phút”, nhiều người đã bị dụ dỗ và trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này.

 

Một loạt các app vay tiền không rõ nguồn gốc xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng (nguồn ảnh: mạng)

Trong danh sách cảnh cáo hằng tuần về các website, domain lừa đảo, NCSC đã nhận được báo cáo về một đường link tải xuống một ứng dụng vay tiền kèm theo câu chuyện bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền và khủng bố tinh thần của một người nhà nạn nhân chia sẻ.

Chị M, người nhà nạn nhân cho biết đã nhận được cuộc gọi từ số lạ, đe dọa đòi nợ với khoản tiền 12 triệu mà em gái chị (chị T, ở Đồng Nai) đã vay qua app vay tiền trực tuyến của họ. Sau khi nhận được cuộc gọi làm phiền, chị đã liên lạc ngay với em gái để hỏi rõ sự việc.

T kể lại: khoảng 1 tháng trước, em có gặp một số khó khăn liên quan đến tài chính, cần vay gấp một khoản tiền để giải quyết. Hôm đó là chiều thứ 7, ban đầu T định ra ngân hàng để đăng ký vay, nhưng nghĩ lại nếu ra ngân hàng thì cần chờ đến thứ 2, và còn cần phải làm các thủ tục giấy tờ, không biết có vay nhanh luôn được không. Nghĩ vậy, cô lại nghĩ hay vay tạm người nhà trước, nhưng rồi cô lại ngại vì năm trước vừa làm nhà, cô cũng đã đi vay anh em bạn bè, một số khoản vừa mới trả hết, một số khoản còn nợ lại một phần.

Trong lúc còn đang suy nghĩ chưa biết nên vay ở đâu, khi đang lướt facebook, T vô tình đọc được một bài đăng quảng cáo với các chương trình vay online hấp dẫn, chỉ cần chứng minh nhân dân (cmnd) hoặc căn cước công dân (cccd). Sau đó, T đã nhắn tin với người đăng bài quảng cáo để hỏi về thủ tục vay vốn.

App vay vốn  giả mạo công ty tài chính với quảng cáo cho vay hấp dẫn

Ngay sau khi T liên hệ, bên kia tự giới thiệu rằng “em là H, nhân viên tư vấn, hỗ trợ vay vốn tại Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Lotus FinTech” và hỏi thăm nhiệt tình về tình hình hiện tại cũng như nhu cầu vay vốn của T. Sau khi T chia sẻ về việc đang gặp khó khăn và muốn vay 12 triệu, H bắt đầu tư vấn cho cô về chương trình vay vốn của công ty: “với khoản vay dưới 20 triệu, bên em đang có chương trình cho vay với lãi suất 1% một tháng, thời gian trả hết lại trong vòng 6 tháng ạ. Nếu chị vay 12 triệu thì mỗi tháng chị chỉ cần gửi lại bên em 2.120.000 nghìn thôi ạ”. “Chị có muốn đăng ký vay luôn không để em hỗ trợ mình tiếp ạ”. Thấy H tư vấn rất nhiết tình, nghe tên công ty cũng có vẻ uy tín, cộng thêm với lãi suất cũng khá thấp, T không nghĩ gì nhiều nữa mà đồng ý bảo H hướng dẫn mình làm thủ tục để vay.

Theo hướng dẫn của H, T truy cập vào một đường link do H gửi để tải và cài đặt trên điện thoại một app cho vay tiền. Khi cài đặt, ứng dụng yêu cầu T cấp quyền truy cập vào danh bạ, máy ảnh trên thiết bị và đồng ý với các điều khoản, chính sách của ứng dụng, nếu không đồng ý thì sẽ không cài đặt được. Các điều khoản khá nhiều và dài nên T không đọc kỹ mà đồng ý luôn để có thể nhanh chóng hoàn tất việc cài đặt.

Tiếp đó, T đăng ký tài khoản của mình trên app này. T cho biết app yêu cầu cô cung cấp thông tin tên đầy đủ, số điện thoại, ngày sinh, số và ảnh chụp cmnd/cccd, ảnh chân dung, thông tin tài khoản ngân hàng và một số thông tin khác.

App yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân

Sau khi đã điền các thông tin cá nhân, H hướng dẫn T làm hồ sơ vay vốn chỉ với vài thao tác ngắn gọn, bao gồm việc nhập vào số tiền muốn vay, xác nhận lại các thông tin cá nhân và tài khoản nhận tiền, cuối cùng nhấn vào ô đồng ý chịu mọi hình thức thu hồi khoản vay nếu không hoàn thành trách nhiệm cam kết.

Sau khi T hoàn thành các bước trên, H bảo T chờ bộ phận kiểm duyệt hồ sơ kiểm tra xong sẽ liên hệ lại. 5 phút sau, cô nhận được cuộc gọi lạ với nội dung về việc xác nhận lại các thông tin mà cô đã đăng ký trong hồ sơ vay vốn. Sau khi xác nhận mọi thông tin, người kia báo T chủ động liên hệ với nhân viên hỗ trợ trước đó để được hướng dẫn nhận tiền về tài khoản ngân hàng.

T liên hệ lại với H, ngay sau đó H gọi điện trao đổi trực tiếp với cô: “Hiện hồ sơ vay của chị đã được duyệt. Chị nộp tiền làm hồ sơ 300.000 vào tài khoản kế toán công ty (1017266089 - PHẠM NGUYỄN KIM LONG- Ngân hàng Vietcombank) để công ty xử lý yêu cầu và giải ngân cho mình luôn chị nhé”. Trước đó T không hề nghe H nhắc về phí làm hồ sơ này, nhưng nghĩ số tiền này cũng không lớn lắm nên T đã đồng ý chuyển tiền và gửi lại H biên lai chuyển khoản.

Sau khi xác nhận đã nhận được tiền, H báo lại: “công ty đã chuyển tiền vào ví trên ứng dụng của chị, giờ chị có thể vào kiểm tra xem đã nhận được tiền trong ví chưa nhé”. Theo hướng dẫn, T đã truy cập được vào ví và thấy số tiền 12 triệu trong ví. Tuy nhiên, cô không thể rút tiền này về ví của mình được. Nghe vậy, H trả lời “hiện tại ví của mình chưa được kích hoạt, chị cần đóng thêm 20% số tiền muốn vay để làm phí bảo hiểm cho khoản vay, phí này sẽ được trả lại cho mình sau khi mình hoàn trả đày đủ số tiền đã vay và lãi cho công ty. Sau khi đóng phí bảo hiểm, bên em sẽ kịch hoạt ví ngay cho mình và mình có thể rút tiền về tài khoản ạ”.

Nghe vậy, T không đồng ý và tỏ vẻ khó chịu vì ngay từ đầu H không nói rõ cho mình các khoản cần phải đóng, mà bây giờ lại phát sinh thêm như vậy và nói tiếp “nếu vậy chị cho em lấy lại tiền hồ sơ, em không vay nữa ạ”. H không còn nhẹ nhàng như trước nữa mà đổi giọng đáp lại “Chị ơi, tiền bên em làm hồ sơ sao trả lại cho chị được, hồ sơ cũng đã làm xong, bên em cũng đã giải ngân về ví cho chị rồi. Nếu bây giờ chị không đóng tiền bảo hiểm thì mình không rút tiền về tài khoản được thì chị chịu thôi. Đến tháng chị vẫn phải trả tiền cho bên em như thường thôi, chị đã đồng ý trong hồ sơ trước đó rồi”.

Tức quá, T nói lại: “Vô lý vậy mà chị cũng nói được à, em không lấy được tiền mà bắt em vẫn phải trả nợ hàng tháng là sao chị, bên chị lừa đảo hay gì?”. Sau đó, không kịp để H nói thêm câu nào, T chặn hết các liên hệ của H cũng như số đã liên hệ để xác nhận thông tin lúc nãy và xóa app vay tiền ngay lập tức.

Những tưởng chỉ mất 300.000 cho một bài học lừa đảo như vậy là xong, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Hai tuần sau đó, T nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên facebook nhưng cô không đồng ý kết bạn. Trong tin nhắn chờ gửi đến cô, người này giới thiệu là nhân viên đòi nợ của công ty trước đó trên app vay tiền mà cô đã dùng. Hắn yêu cầu cô nhanh chóng trả nợ và đóng lãi hằng tháng cho công ty như đã cam kết, nếu không sẽ tiến hành các ‘biện pháp mạnh’ để đòi nợ.

T rất hoang mang khi đọc được tin nhắn này, cô không biết phải làm gì bây giờ. Hai hôm sau, cô liên tục nhận được các cuộc gọi khủng bố, măng chửi, yêu cầu cô trả nợ và đe dọa sẽ gọi điện làm phiền người thân, bạn bè nếu có không chịu trả. Tiếp đó, cô nhận được các tin nhắn hình ảnh bôi nhọ danh dự của mình trên các trang web đồi trụy và trên mạng xã hội. Một số bạn bè trên facebook của cô cũng báo lại với cô về việc nhận được lời mời kết bạn từ người lạ, sau khi đồng ý, họ sẽ bị gắn tên trên facebook vào các bài đăng bôi nhọ cô. Một số người thân, bạn bè của cô cũng bị gọi điện làm phiền với nội dung liên quan đến việc đòi nợ T, trong đó có chị M.

Đã không vay được tiền lại rơi vào tình trạng hoang mang, lo sợ vì các cuộc gọi khủng hoảng và những bài đăng xúc phạm trên mạng, T cũng rất áy náy vì đã làm ảnh hưởng đến người thân bạn bè. M đã ai ủi, động viên T và khuyên cô tạm thời không lên facebook, không nghe bất kỳ cuộc gọi từ số lạ nào nữa, đồng thời liên hệ với tất cả bạn bè, người thân để cảnh báo cho họ tránh bị làm phiền.

Qua phân tích, NCSC phát hiện ứng dụng đã được báo cáo là một trong những ‘app vay tiền đen’, tên công ty được giới thiệu trong app trước đó thực chất cũng không tồn tại. Thực tế, các app vay tiền biến tướng này thường mạo danh hoặc giả mạo là một công ty để gây dựng lòng tin ban đầu đối với nạn nhân, nhắm đến những người nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác/hiểu biết đối với các tấn công lừa đảo qua mạng.

Ngoài ra, khi người dùng đồng ý cấp quyền truy cập danh bạ, hình ảnh thì các ứng dụng này cũng sẽ sao lưu được các thông tin số điện thoại có trong danh bạ cũng như các hình ảnh được lưu trong điện thoại. Chính vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã có được thông tin để đe dọa, làm phiền nạn nhân và người thân của họ. Các điều khoản, chính sách của các app này cũng chứa các nội dung bất lợi cho nạn nhân, bao gồm thỏa thuận buộc nạn nhân chấp nhận mọi hình thực thu hồi nợ, bất chấp đó là các hình thức đe dọa, khủng bố mạng, bôi nhọ danh dự nạn nhân.

Nếu cần vay tiền, bạn nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng, hoặc các công ty tài chính hợp pháp. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên các trang web và ứng dụng không tin cậy. Khi cài đặt bất ký ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, bạn nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Nếu phát hiện bất ký ứng dụng, website có dấu hiệu lừa đảo nào, bạn cũng có thể báo cáo với NCSC tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn.

scrolltop